Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Theo kế hoạch, cuối năm nay xã Cam Thành Nam (Cam Ranh, Khánh Hòa) sẽ cơ bản đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tuy nhiên, qua khảo sát, hiện một số tiêu chí chưa đạt hoặc đạt nhưng chưa thật sự bền vững.

Là một trong các xã thuần nông của TP. Cam Ranh, Cam Thành Nam (dân số hơn 5.200 người) có hơn 80% làm nghề nông nên đời sống còn nhiều khó khăn. Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư của các cấp, ngành từ tỉnh đến thành phố, đặc biệt là từ Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, kinh tế - xã hội ở Cam Thành Nam có bước phát triển đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm; người dân được đào tạo nghề và giải quyết việc làm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5% (năm 2013); các kết cấu hạ tầng - kỹ thuật (điện, đường, trường, trạm...) được đầu tư xây dựng mới, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, lưu thông buôn bán. Nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả, cơ cấu cây trồng vật nuôi từng bước được chuyển đổi theo hướng sản phẩm hàng hóa, đạt giá trị kinh tế cao như: mô hình trồng táo Thái Lan, nuôi gà Lương Phượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm củ kiệu, rong nho...
Cam Thành Nam
Nắng nóng kéo dài khiến nông dân chưa thể xuống giống kiệu cho tết 2016

Ông Phạm Xuân Thu, Bí thư Đảng ủy xã Cam Thành Nam cho biết, hiện xã được tỉnh và thành phố chọn là 1 trong 2 xã điểm tập trung đầu tư XDNTM . Đây là điều kiện thuận lợi giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, nhưng đồng thời cũng là áp lực không nhỏ đối với các cấp chính quyền xã.
Đến nay, xã Cam Thành Nam đã hoàn thành 14 tiêu chí XDNTM gồm: quy hoạch, thủy lợi, điện, trường học, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tỉ lệ lao động có việc làm, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, văn hóa, môi trường, an ninh - trật tự xã hội. 5 tiêu chí chưa đạt và sẽ được tập trung đầu tư, phấn đấu đạt trong năm nay gồm: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, y tế, hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong số các tiêu chí đạt chuẩn NTM của Cam Thành Nam có không ít tiêu chí tuy được công nhận nhưng vẫn chưa thật sự mang tính bền vững, chẳng hạn các tiêu chí: quy hoạch, thủy lợi, hộ nghèo, môi trường. Trong quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xã Cam Thành Nam vẫn còn thiếu quy hoạch chi tiết về sử dụng đất, khu dân cư mới... Trong khi đó, dù là một xã thuần nông, nước tưới vẫn đang là vấn đề nan giải của xã và chưa được giải quyết một cách triệt để. Ông Nguyễn Trung Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Hiện Cam Thành Namcó hơn 1.000ha đất sản xuất nông nghiệp (trồng mía, mì, táo, xoài,  rau, củ, quả...), nhưng chỉ có hơn 50ha đất có nước tưới, còn lại chủ yếu nhờ vào nước trời. Theo ông Tiến, tuy xã đang có hệ thống thủy lợi từ kênh chính Nam nhưng chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của địa phương, hơn 90% diện tích đất đang thiếu nước tưới trầm trọng và điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, một số tiêu chí chưa đạt đang được coi là vấn đề nan giải, vượt khả năng của địa phương. Cụ thể như tiêu chí chợ nông thôn, tuy nhiều năm nay Đảng ủy, chính quyền xã đã có nhiều tờ trình lên các cấp, ngành nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Về cơ bản, xã đã có quy hoạch mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu chợ nhưng không đủ nguồn vốn để đầu tư tiếp.
Xã Cam Thành Nam
             Mô hình vườn rau gia dình cũng gặp khó khăn do thiếu nước
Địa phương cũng không kêu gọi được các doanh nghiệp bỏ vốn xây chợ vì các doanh nghiệp cho rằng khó thu hồi vốn hoặc không thật sự mang lại hiệu quả.

Giải pháp của Cam Thành Nam hiện nay là tiếp tục tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình XDNTM; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các tổ chức, đoàn thể chung tay XDNTM. Mặt khác, tập trung rà soát các tiêu chí, tiêu chí nào đã được công nhận thì tiếp tục đầu tư, duy trì, tạo sự bền vững; tiêu chí nào chưa đạt hoặc gặp khó khăn, vượt tầm của địa phương thì đề nghị UBND tỉnh, thành phố hỗ trợ để việc thực hiện Chương trình XDNTM đạt hiệu quả.

                                                                                            Phạm Văn Tổng Theo Báo Khánh Hòa

Những khó khăn cần tháo gỡ

Tuy đã đạt được một số mục tiêu đề ra, nhưng hiện nay, việc thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội (KT-XH) trọng điểm tại TP. Cam Ranh vẫn còn những khó khăn cần được tháo gỡ.

1
Cam Ranh tuy có nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng hiệu quả mang lại chưa cao

Kết quả bước đầu

Ngay sau khi 4 chương trình KT-XH trọng điểm của tỉnh được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy Cam Ranh đã kịp thời chỉ đạo UBND thành phố và các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai thực hiện. Theo đánh giá của Thành ủy Cam Ranh, Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đã đạt được một số kết quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó điển hình là mô hình trồng bắp HN88 có nước tưới tại phường Cam Phúc Nam. Với mô hình này, người dân có lợi nhuận hơn 32 triệu đồng/ha/vụ.

Thời gian qua, toàn thành phố đã hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng, chi cho hơn 1.600 lượt hộ nghèo với hơn 6.100 nhân khẩu. Từ năm 2011 đến 2014, đã có 191 hộ đồng bào DTTS nghèo tại xã Cam Thịnh Tây được vay vốn phát triển chăn nuôi bò và dê với tổng số vốn giải ngân hơn 1,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND TP. Cam Ranh còn phối hợp tổ chức đào tạo cho hàng trăm lượt người DTTS học các nghề như: nấu ăn, mây tre lá, kỹ thuật sản xuất lúa giống... với kinh phí gần 100 triệu đồng; xây dựng 26 căn nhà với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng... Đến nay, trạm y tế của 4/4 xã, phường có đồng bào DTTS được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh; công tác giáo dục và đào tạo được triển khai đồng bộ, hiệu quả, chất lượng giáo dục được nâng cao...

Về Chương trình phát triển nguồn nhân lực, những năm qua, thành phố đã cử 34 cán bộ, công chức học cao cấp lý luận chính trị, 30 cán bộ, công chức học trung cấp chính trị, 50 cán bộ, công chức học sơ cấp chính trị. Về chuyên môn nghiệp vụ, khối đảng - đoàn thể có 56/70 cán bộ công chức có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học, chiếm 80%. Về đào tạo chuyên môn cho cán bộ, công chức cấp huyện, đến nay có 83/95 cán bộ, công chức có trình độ cao đẳng, đại học, chiếm 87,3%. Về đào tạo nguồn nhân lực phát triển nông thôn, đến nay đã tổ chức tập huấn cho 104 điều tra viên thôn, tổ dân phố, 30 điều tra viên cấp xã, 2 điều tra viên cấp huyện tham gia thu thập, cung cấp thông tin cung cầu lao động và tập huấn điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới (có 6 xã), đến nay có 2 xã gồm: Cam Thành Nam và Cam Bình đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2014; 2 xã Cam Thịnh Đông và Cam Lập phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015. Về Chương trình phát triển đô thị, thành phố đã phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện hoàn chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Cam Ranh đến năm 2035, quy chế quản lý kiến trúc của thành phố, triển khai khép kín toàn bộ quy hoạch phân khu, quy hoạch tỉ lệ chi tiết các phường và quản lý chặt chẽ các khu đô thị theo quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, quy chế quản lý công trình ngầm...

Còn nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, tuy đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng việc thực hiện các chương trình trên địa bàn vẫn còn những khó khăn. Cụ thể, kinh tế đồng bào DTTS vẫn còn chậm phát triển, khoảng cách chênh lệch mức sống giữa đồng bào DTTS với vùng đồng bằng còn xa. Hoạt động sản xuất còn mang tính chất manh mún, chất lượng sản phẩm thấp, trình độ tổ chức sản xuất và kỹ năng lao động còn hạn chế. Tuy công tác giảm nghèo đã đạt được kết quả nhất định nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra và chưa thật sự bền vững.

Nguyên nhân là do một số địa phương chưa thực sự chủ động trong công tác chỉ đạo, chưa kịp thời có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, khai thác có hiệu quả những nguồn lực của địa bàn vùng đồng bào DTTS, chưa quan tâm công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức phụ trách công tác dân tộc các xã thường có sự biến động, thay đổi, kiêm nhiệm nhiều việc nên hiệu quả tham mưu chưa cao, làm ảnh hưởng đến việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa thành phố và cơ sở. Để giải quyết vấn đề trên, theo ông Sơn, cần thay đổi nhận thức và phương thức sản xuất cho đồng bào DTTS. Trước mắt, cần tập trung đầu tư vào những hộ chịu khó làm ăn. Khi các hộ này được đầu tư, thay đổi thì những hộ khác sẽ làm theo.

Về Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Sơn cho biết, riêng xây dựng đường giao thông nông thôn quy định có nguồn vốn của xã đối ứng, nhưng mỗi năm, xã chỉ có khoảng 1 tỷ đồng để đầu tư phát triển. Trong khi đó, để đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, xã phải bỏ ra 2, 3 tỷ đồng, nên thành phố phải cấp bù. Điều này làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển khác. “Khó khăn lớn nhất hiện nay là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, do trình độ lao động sau khi đào tạo rất khó sử dụng trong các doanh nghiệp, nhà máy. Bên cạnh đó, xã Cam Thịnh Tây luôn trong tình trạng thiếu nước trầm trọng, rất khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Thành phố đã nhiều lần kiến nghị đầu tư xây dựng hồ Sông Cạn, tỉnh cũng đưa dự án này vào chương trình mục tiêu quốc gia nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được”, ông Sơn nói.
                                                                                                        Phạm Văn Tổng theo báo Khánh Hòa