Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Thương hiệu táo Cam Thành Nam

Xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh) đang được các cấp, ngành hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho quả táo. Trước mắt, xã thành lập tổ liên kết sản xuất táo sạch làm tiền đề để xây dựng thương hiệu.

Táo Cam Thành Nam được người tiêu dùng ưa chuộng.
Táo Cam Thành Nam được người tiêu dùng ưa chuộng

Tổ liên kết sản xuất táo sạch

Tuy mùa táo đã vào cuối vụ nhưng không khí thu hoạch ở xã Cam Thành Nam vẫn còn nhộn nhịp. Anh Hồ Tấn Cường - Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất táo sạch cho biết: “Cơ sở thu mua táo của chúng tôi đang có nhiều đơn hàng. Vừa qua, Học viện Hải quân đã đề nghị cung cấp táo làm bữa tráng miệng cho học viên. Cơ sở đã cung cấp được 6 lần, mỗi lần vài tạ. Siêu thị Big C Nha Trang cũng đã đặt hàng cho chúng tôi. Thị trường đang có những tín hiệu vui đối với quả táo...”.

Thời gian qua, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, táo Cam Thành Nam được biết tới như một đặc sản của TP. Cam Ranh. Tuy chưa có thương hiệu nhưng có hiện tượng thương lái trà trộn táo Ninh Thuận vào táo Cam Thành Nam để bán cho khách hàng. Vì vậy, việc thành lập tổ liên kết để xây dựng thương hiệu cho quả táo được quan tâm. Người trồng táo hiện đang hăng hái gia nhập tổ liên kết với hy vọng quả táo được cung cấp ra thị trường rộng hơn.

Anh Nguyễn Văn Diên - thanh niên trồng táo giỏi ở thôn Quảng Hòa nói: “Tuy người trồng táo nhiều nhưng không phải ai cũng được vào tổ liên kết. Tiêu chí đưa ra là: Hộ có ít nhất 4 - 5 sào táo, sản xuất táo mang tính chuyên nghiệp, đạt năng suất cao và tâm huyết với nghề. Tôi gia nhập tổ liên kết là muốn thực hiện chương trình sản xuất táo sạch. Từ đó xây dựng thương hiệu cho quả táo Cam Thành Nam...”. Hiện nay, anh Diên sản xuất 5 sào táo, năng suất bình quân 7 tấn/sào, thu nhập 15 - 20 triệu đồng/sào/năm. Hộ anh Trịnh Văn Quân (thôn Quảng Hòa) cũng có tên trong danh sách tổ liên kết. Theo anh, sản xuất táo sạch mang lại nhiều hứa hẹn trong khâu tiêu thụ, được nhiều người biết tới. Đặc biệt, khi táo đã có thương hiệu thì giá bán sẽ cao hơn, thị trường rộng mở, táo vào siêu thị không gặp trở ngại...

Anh Cường cho biết, tổ liên kết sắp ra mắt với 11 thành viên là những hộ sản xuất táo chuyên nghiệp trên địa bàn thôn Quảng Hòa - nơi có diện tích trồng táo lớn trong xã. Thời gian qua, tổ đã được các ban, ngành của thành phố và tỉnh tổ chức tập huấn về sản xuất táo sạch; Chi cục Bảo vệ thực vật chọn tổ làm mô hình trình diễn với diện tích 20ha...

Sớm có thương hiệu
Với hơn 50ha cây táo (tập trung tại thôn Quảng Hòa 90%), có thể mở rộng 80 - 100ha trong thời gian tới, xã Cam Thành Nam có đủ điều kiện để xây dựng thương hiệu cho quả táo. Ông Ngô Văn Nhẹ - Chủ tịch Hội Nông dân xã nhìn nhận: “Lâu nay, quả táo Cam Thành Nam rất được ưa chuộng trên thị trường, vì vậy, chúng tôi đang chuẩn bị ra mắt tổ liên kết sản xuất táo sạch làm tiền đề xây dựng thương hiệu quả táo. Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành của thành phố rất quan tâm để triển khai các bước xây dựng thương hiệu”. Được biết, hiện nay, việc trồng táo của nông dân còn manh mún, có nơi chưa chủ động được nguồn nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, vùng sản xuất chưa được quy hoạch... Những trở ngại này sẽ được khắc phục khi xây dựng thương hiệu cho quả táo.
Cam Thành nam
Vườn táo Cam Thành Nam
Theo Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, thời gian qua, thành phố đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tổ chức tập huấn về ứng dụng công nghệ sinh học cho người trồng táo; khảo sát vùng quy hoạch trồng táo; hoàn chỉnh văn bản kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng thương hiệu cho quả táo Cam Thành Nam... Các công việc đang được xúc tiến theo quy trình, có thể hoàn thành trong năm 2015.
                                                                                                                                  PVT báo Khánh Hòa

Cam Ranh - diện mạo thành phố trẻ

Kinh tế phát triển
Sau 40 năm giải phóng, nhất là sau khi được công nhận là thành phố vào năm 2011, Cam Ranh đã được tỉnh, Trung ương quan tâm đầu tư để có sự thay đổi mạnh mẽ. Trong những năm qua, TP. Cam Ranh đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, tăng cường nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đưa nền kinh tế đi vào phát triển ổn định cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ năm 2001 đến nay, tăng trưởng kinh tế của thành phố bình quân hàng năm đạt trên 10%; riêng giai đoạn 2005 - 2008 tăng bình quân hàng năm 13,9%, giai đoạn 2011 - 2015 tăng từ 12 - 13%.

TP. Cam Ranh từng bước đổi thay.
TP. Cam Ranh từng bước đổi thay

Ông Nguyễn Khắc Toàn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cam Ranh cho biết, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, sản xuất của các đơn vị công nghiệp chủ lực là Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh bị đình đốn. Tuy nhiên, với nỗ lực của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, một số dự án đầu tư như: Nhà máy Nước giải khát cao cấp Yến sào Cam Thịnh, Trạm nghiền xi măng Cam Ranh, nhà máy chế biến dăm gỗ... đã đi vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển. Một số dự án trọng điểm như Cảng Hàng không quốc tế và Cảng Cam Ranh được đầu tư nâng cấp, mở rộng, đã đi vào hoạt động hiệu quả. Hệ thống chợ, siêu thị, tín dụng, ngân hàng được quan tâm đầu tư, phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu giao thương, phục vụ sản xuất và tiêu dùng, tạo động lực cho sự phát triển, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo đúng định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là nhiệm vụ quan trọng mà lãnh đạo TP. Cam Ranh luôn đặt lên hàng đầu. Từ năm 2011 đến 2014, thành phố có 191 hộ đồng bào DTTS nghèo sinh sống trên địa bàn xã Cam Thịnh Tây được vay vốn phát triển sản xuất với tổng số vốn đã giải ngân hơn 1,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố còn tổ chức nhiều lớp đào tạo cho người DTTS học các nghề nấu ăn, mây tre lá, kỹ thuật sản xuất lúa giống, trồng cây ăn quả, mía. Qua đó, lao động là người DTTS được tiếp cận kiến thức, biết cách làm ăn, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự hành nghề, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

Hiện nay 4/4 xã, phường có đồng bào DTTS sinh sống đã được xây dựng trạm y tế đạt chuẩn, đầy đủ nhân lực và trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh, 100% đồng bào DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, trên 95% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh, trong giai đoạn 2010 - 2014, thành phố đã huy động được 40 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đồng bào DTTS. Trọng tâm là các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh như điện, nước, giao thông, trường học, hỗ trợ phát triển sản xuất. Việc làm này đã góp phần từng bước thay đổi nhận thức cũng như phương thức sản xuất của đồng bào DTTS, mang lại năng suất, hiệu quả lao động cao hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Số liệu mới nhất cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm từ 35% năm 2010 xuống còn 13% năm 2015.

Đạt đô thị loại II vào năm 2020

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Cam Ranh đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, mục tiêu sẽ xây dựng Cam Ranh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ phía Nam của tỉnh và phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2020.

Theo quy hoạch này, đến năm 2020, giá trị công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ, du lịch đạt 92% trở lên; nông nghiệp dưới 8%. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.850 USD và phấn đấu đạt 3.770 USD vào năm 2020. Thu ngân sách hàng năm tăng 20 - 25% giai đoạn 2016 - 2020. Giá trị xuất khẩu đến năm 2020 đạt 100 triệu USD, góp phần nâng tổng giá trị xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 đạt 400 triệu USD, gấp 3,2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Đến năm 2020, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Về văn hóa - xã hội, đến năm 2020, 100% số trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế xã, phường được xây dựng kiên cố theo mô hình chuẩn quốc gia và có bác sĩ; tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt trên 65%; giải quyết việc làm mới cho khoảng 6.000 lao động/năm giai đoạn 2016 - 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3%; tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 85% vào năm 2020.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và xây dựng. Năm 2012, cơ cấu kinh tế của thành phố là: công nghiệp - xây dựng chiếm 47,1%, dịch vụ chiếm 35,4%, nông nghiệp chiếm 17,5%. Đến năm 2015, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 61,1%,  thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm 28,5%, nông nghiệp 10,4%. Bình quân hàng năm, giá trị ngành công nghiệp - xây dựng tăng 19,7%, các ngành thương mại - dịch vụ - du lịch tăng 1,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 27,2 triệu USD, gấp 1,9 lần so với năm 2010.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, để thực hiện các mục tiêu trên, thành phố sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, du lịch - dịch vụ đúng hướng. Về lĩnh vực công nghiệp, tập trung phát triển đóng mới và phụ trợ đóng tàu, phát triển công nghiệp chế biến nông sản - thủy sản, khai thác, chế biến khoáng sản - sản xuất vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, phát triển mạnh công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, tăng nhanh tỷ lệ sản phẩm công nghiệp đã qua chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm.

Hiện nay, thành phố có Khu công nghiệp Nam Cam Ranh đã được Chính phủ phê duyệt có diện tích 350ha. Dự kiến đến năm 2020 và định hướng đến 2030, tùy theo tình hình thực tế có thể mở rộng diện tích Khu công nghiệp lên quy mô từ 500 - 1.000ha. Bên cạnh đó, dự kiến trên địa bàn thành phố sẽ xây dựng thêm 2 cụm công nghiệp Cam Thành Nam rộng 40ha và Cam Thịnh Đông rộng 44,6ha.

Ông Nguyễn Khắc Toàn cho biết: “Thời gian tới, Cam Ranh cần phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh, tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, phấn đấu sớm đạt được các tiêu chí của đô thị loại II; đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, tổ chức kết nối giữa đô thị cũ và đô thị mới để mở rộng không gian thành phố; từng bước xây dựng Cam Ranh là đô thị có quy hoạch, kiến trúc khang trang, hiện đại. Bên cạnh đó, cần phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó chú trọng phát triển kinh tế biển, gắn tăng trưởng kinh tế với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượ ng sống của các tầng lớp nhân dân”.


                                                                                                    Phạm Văn Tổng Theo Báo Khánh Hòa                                                         

TP. Cam Ranh: Bất cập trong việc hỗ trợ lúa giống

Nắng hạn kéo dài khiến nhiều địa phương ở TP. Cam Ranh thiếu nước trầm trọng, không thể xuống giống vụ hè thu. Thế nhưng tuần qua, người dân lại được cấp hỗ trợ 21 tấn hạt lúa giống…

Dẫn chúng tôi băng qua những thửa ruộng khô cháy, nứt nẻ vì khô hạn nhiều tháng qua, chị Toàn (xã Cam Phước Đông) cho biết: “Năm nay, nguy cơ gia đình tôi bị thiếu ăn rất cao vì vụ hè thu không thể xuống giống do không có nước. Đây cũng là tình cảnh mà nhiều hộ dân ở Cam Phước Đông đang phải đối mặt”. Không thể xuống lúa giống, chị Toàn đã chuyển một phần ruộng sang trồng rau, nhưng những lo toan về nguồn nước vẫn khiến chị đứng ngồi không yên.

Nắng hạn kéo dài khiến những cánh đồng ở Cam Ranh khô cháy.
Nắng hạn kéo dài khiến những cánh đồng ở Cam Ranh khô cháy.

Theo thống kê của xã Cam Phước Đông, hàng năm, tổng diện tích trồng lúa trên địa bàn xã lên đến hơn 460ha. Hiện người dân chỉ mới xuống giống khoảng 100ha, nhưng đã có 20ha bị khô cháy do nắng hạn. “Những hồ nước trên địa bàn đã cạn. Không có nước cho gieo trồng, chính quyền địa phương đang vận động người dân tiết kiệm nước sinh hoạt nhằm chia sẻ cho gia súc uống. Nếu không có mưa thì chỉ trong vòng một tháng nữa nước cho gia súc cũng không còn”, ông Cao Hữu Lý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Phước Đông cho biết.

Tình trạng hạn hán ở Cam Phước Đông đã và đang ở mức trầm trọng, thế nhưng trong tuần qua, hàng chục hộ bị thiệt hại do thiên tai từ năm 2014 lại được chính quyền địa phương hỗ trợ 4,95 tấn hạt lúa giống. Một người dân được hỗ trợ giống cho biết: “Nếu không có mưa trong thời gian tới thì gia đình tôi sẽ chẳng thể làm gì được với số lúa giống này”. Trong khi đó, ngày 30-6 sẽ là hạn cuối cùng người dân phải xuống giống vụ hè thu và nếu tình trạng hạn hán tiếp tục kéo dài thì số lúa giống được hỗ trợ cũng không thể cho gia cầm ăn vì khi bảo quản lúa giống đều được tẩm hóa chất.  Ông Lâm Ngọc Trọng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cam Phước Đông thừa nhận, nếu đến cuối tháng 6 không có mưa thì toàn bộ số lúa giống mà chính quyền hỗ trợ sẽ phải bỏ đi.

Ngoài Cam Phước Đông, nhiều người dân ở các phường, xã khác cũng được hỗ trợ lúa giống đợt này. Cụ thể, phường Cam Nghĩa 3,6 tấn, xã Cam Thành Nam 3,6 tấn, Cam Thịnh Đông 5,85 tấn và Cam Thịnh Tây 3 tấn. Hiện người dân đang đứng ngồi không yên vì không biết sẽ làm gì với số lúa giống này nếu trời không mưa.

Trong khi đó, tại cuộc họp mới đây, lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh đã thông báo đến các địa phương về việc ngừng xuống giống vụ hè thu. Khi được hỏi về việc vì sao chính quyền địa phương vẫn hỗ trợ lúa giống cho người dân trên địa bàn trong khi đã có thông báo của UBND thành phố, ông Lê Minh Hải, Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, toàn bộ số lúa giống đều do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ nhằm hỗ trợ các hộ bị thiệt hại do thiên tai năm 2014. Ngoài 21 tấn hạt lúa giống, Sở còn phân bổ cho thành phố để hỗ trợ cho người dân 240kg hạt rau giống.

Nhiều người dân cho rằng, trong tình hình hạn hán kéo dài khiến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cạn kiệt, thay vì hỗ trợ lúa giống, chính quyền cần thay đổi phương thức hỗ trợ hợp lý hơn. Bởi hiện nay người dân nhận lúa giống vẫn đang bối rối vì tất cả đang phải trông chờ vào “ông trời”.

Phạm Văn Tổng Theo báo Khánh Hòa